Thoát nước và xử lý nước thải bền vữ tại các đô thị
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ GIẢI PHÁP THOÁT NƯỚC BỀN VỮNG
- Hệ thống nước mặt:
Bao gồm hai giải pháp kỹ thuật:
-
- Giải pháp kỹ thuật cứng: Tạo ra bề mặt phủ có khả năng thấm, lưu giữ và chứa nước tốt như: Vỉa hè thấm nước, bể chứa nước mưa cho từng hộ gia đình, công trình để giảm tải lưu lượng mưa ra hệ thống thoát nước của thành phố…;
- Giải pháp kỹ thuật mềm: là giải pháp kỹ thuật sinh thái tạo cảnh quan kiến trúc đô thị như mái nhà xanh, mương thấm (vật liệu xây có lỗ rỗng), hồ điều tiết…
Hai giải pháp trên ngoài vấn đề giải quyết ngập úng đô thị còn có những ưu điểm sau:
-
- Có khả năng bổ cập cho nguồn nước ngầm thông qua quá trình thấm;
- Các chất gây ô nhiễm từ dòng chảy mặt được loại bỏ nhờ quá trình thấm, lọc;
- Cải thiện cảnh quan đô thị;
- Thích nghi với biến đổi khí hậu;
- Dễ quản lý, bảo trì.
- Hệ thống nước thải:
Sử dụng hệ thống thoát nước chung, thu gom nước thải bằng tuyến cống bao đối với khu đô thị cũ và thoát nước riêng hoàn toàn cho khu đô thị mới; Sử dụng mô hình thoát nước phân tán; Tái sử dụng nước phục vụ sau xử lý dùng tưới cây, rửa đường, bổ cập nước ngầm…
- Nguyên tắc tổ chức thoát nước cho các đô thị:
Tổ chức thoát nước phải dựa trên từng điều kiện cụ thể của địa phương:
-
-
- Đối với các khu vực trong đô thị hiện có: vẫn sử dụng hệ thống cống thoát nước chung, với các tuyến cống bao thu gom các loại nước thải và nước mưa đợt đầu, không cho chảy trực tiếp vào sông, hồ, kênh mương mà dẫn bằng các tuyến cống chính về các trạm xử lý nước thải. Trên các tuyến cống chính này, gần nguồn tiếp nhận, để giảm chi phí vận chuyển và xử lý nước thải, bố trí các giếng tràn tách hỗn hợp nước mưa đợt đầu và một phần nước thải đã được pha loãng, tràn qua đập tràn chảy ra nguồn tiếp nhận. Tuỳ theo điều kiện tự nhiên, mật độ dân cư, quỹ đất, nhu cầu tái sử dụng nước thải … mà có thể áp dụng mô hình thoát nước tập trung hay phân tán, với công nghệ hiện đại hay chi phí thấp.
- Đối với các khu đô thị xây dựng mới, xây dựng hệ thống thoát nước riêng, xử lý nước thải đạt yêu cầu trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
- Trong giai đoạn chưa có điều kiện xây dựng đầy đủ các tuyến cống thoát nước riêng và trạm xử lý nước thải, vẫn phải coi trọng và phát huy vai trò của bể tự hoại để xử lý nước đen, hay nước đen và nước xám từ các hộ gia đình, nhà chung cư, cơ quan, cơ sở dịch vụ… Bể tự hoại phải được thiết kế, xây dựng và quản lý đúng quy cách.
- Đối với các đô thị miền núi, có độ dốc dọc đường lớn, thuận lợi cho việc thoát nước, nên sử dụng hệ thống thoát nước riêng. Các khu vực ven đô, có thể áp dụng loại hệ thống thoát nước riêng giản lược, với đường kính nhỏ, chôn nông dọc vỉa hè, sơ đồ đấu nối xuyên tiểu khu, cùng với các kênh, mương, cống sẵn có để thoát nước bề mặt, sẽ giảm thiểu tối đa chi phí xây dựng và quản lý hệ thống thoát nước.
- Đối với các đô thị vùng đồng bằng, độ dốc cống nhỏ, cần triệt để tận dụng các mặt nước đô thị làm hồ điều hoà, kênh mương dẫn nước và giảm độ sâu chôn cống.
- Đối với các đô thị ven biển, địa hình bằng phẳng, khó tạo được độ dốc cống thuận lợi, lại ít có các sông mương và hồ điều tiết, do điều kiện địa chất phần lớn là cát và cát pha. Ở các đô thị này, có thể lợi dụng nước triều lên xuống hàng ngày, xây dựng các cống tự động đóng/mở theo mực nước triều để thoát nước và thau rửa hàng ngày hệ thống cống.
- Cố gắng áp dụng các giải pháp thoát nước bền vững càng sớm càng có lợi. Lồng ghép phương thức này với quy hoạch phát triển không gian đô thị; quản lý chặt chẽ cao độ san nền, tiêu thoát nước của các khu vực đô thị mới phát triển; đảm bảo sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng giữa thoát nước với hệ thống thủy văn đô thị và toàn lưu vực, kể cả hệ thống thủy nông, tiêu thoát lũ, điều tiết hồ chứa thủy điện ở thượng lưu và hạ lưu…
-
THOÁT NƯỚC BỀN VỮNG TẠI ĐÔ THỊ VIỆT NAM
-
-
- Thoát nước thải và xử lý nước thải bền vững ở các đô thị Việt Nam
-
Nước thải được thu gom và xử lý bằng giải pháp thoát nước chung, riêng, nửa riêng hay hỗn hợp, theo các mô hình tổ chức thoát nước tập trung hay phân tán. Hệ thống thoát nước tập trung thường được xây dựng cho các khu trung tâm đô thị, có mật độ dân số cao, có điều kiện xây dựng đồng bộ, các công trình xây dựng gần như hoàn chỉnh. Tuy nhiên, phương thức thoát nước truyền thống này có nhiều hạn chế, vì thế, ngày nay trên thế giới khuyến khích áp dụng mô hình phân tán, đặc biệt là cho các khu đô thị mới, các vùng ven đô, nông thôn với các công trình thu gom, xử lý, xả hay tái sử dụng nước thải cho các hộ riêng lẻ (giải pháp tại chỗ) hoặc khu dân cư (giải pháp phân tán theo cụm). Mô hình này có những ưu điểm:
-
- Giảm chi phí đầu tư xây dựng, vận hành và bảo dưỡng do chiều dài tuyến cống thoát nước ngắn, đường kính nhỏ, độ sâu chôn cống không lớn, ít trạm bơm nước thải;
- Sử dụng các giải pháp công nghệ đơn giản, chi phí thấp, tận dụng triệt để các điều kiện tự nhiên để xử lý nước thải;
- Dễ quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Cho phép phân đợt xây dựng, đầu tư các hợp phần kỹ thuật từng bước theo khả năng tài chính. Quy mô đầu tư cũng sát với yêu cầu thực tế, tránh lãng phí;
- Cho phép tái sử dụng tại chỗ nước thải sau xử lý (rửa, tưới, bổ cập nước ngầm) và chất dinh dưỡng tách được (bón cây trồng)… Trong một số trường hợp, có thể xử lý nước thải phân tán đạt mức độ xả ra môi trường, mạng lưới thoát nước mưa, nhờ vậy tiết kiệm đáng kể chi phí xây dựng và quản lý đường cống thoát nước.
- Thoát nước bề mặt bền vững cho các đô thị Việt Nam (SUDS)
- Cách tiếp cận hiện nay:
Chỉ tập trung vào việc thu và chuyển nước mưa thông qua các hệ thống thoát nước để nước mưa thoát khỏi đô thị càng nhanh càng tốt. Chi phí cho xây dựng và vận hành, bảo dưỡng các đường cống thoát nước thường rất lớn, trong khi công suất của chúng lại chỉ có giới hạn và không dễ nâng cấp. Cách làm này dẫn đến nguy cơ ngập lụt, xói mòn đất và ô nhiễm ở vùng hạ lưu tăng.
- Cách tiếp cận đảm bảo thoát nước bền vững (SUDS) :
Mục tiêu ngăn ngừa, giảm thiểu, trì hoãn, xử lý và loại bỏ nước mưa đã bị ô nhiễm trước khi đổ ra nguồn tiếp nhận. Phương pháp tối ưu là các kỹ thuật thu gom, thấm, chuyển tải, trữ và xử lý, phương án này có tính bền vững, linh hoạt, triển khai với kinh phí thấp.
Quá trình đô thị hóa đã gây những tác động xấu đến quá trình thoát nước tự nhiên: dòng chảy tự nhiên bị thay đổi, quá trình lưu giữ tự nhiên dòng chảy bằng các thảm thực vật và đất bị mất đi, thay vào đó là những bề mặt phủ không thấm nước như mái nhà, bê tông, đường nhựa, làm tăng lưu lượng dòng chảy bề mặt. Những dòng chảy này thường bị ô nhiễm do rác, bùn đất và các chất bẩn khác rửa trôi từ mặt đường. Lượng nước và cường độ dòng chảy tăng tạo nên sự xói mòn và lắng bùn cặn. Tất cả những yếu tố này gây những tác động xấu đến môi trường, úng ngập, ảnh hưởng đến hệ sinh thái dưới nước.
Phát hiện và khắc phục những tồn tại trên, gần đây, người ta đã nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật thay thế, theo phương thức tiếp cận mới: hướng tới việc duy trì những đặc thù tự nhiên của dòng chảy về dung lượng, cường độ và chất lượng; kiểm soát tối đa dòng chảy từ nguồn, giảm thiểu tối đa những khu vực tiêu thoát nước trực tiếp, lưu giữ nước tại chỗ và cho thấm xuống đất, đồng thời kiểm soát ô nhiễm. Đó chính là những nguyên lý của SUDS.
Cách tiếp cận của thoát nước mưa bền vững (SUDS) là thoát chậm, không phải thoát nhanh, để tránh lượng mưa tập trung lớn trong thời gian ngắn. Tiết diện cống sẽ khó có thể đáp ứng nếu lượng mưa lớn, tốn kém mà nước vẫn tràn cống, gây ngập đường, lụt nhà. Vì vậy, phải tổ chức thoát nước mưa, kết hợp các biện pháp khác nhau một cách đồng bộ, sao cho dòng chảy được tập trung chậm. Sử dụng các hồ điều hòa trên diện tích thu gom và truyền dẫn nước mưa để lưu giữ nước là một cách làm phổ biến. Bên cạnh đó, sử dụng bản thân diện tích bề mặt của thành phố, tăng cường việc cho nước mưa thấm tự nhiên xuống đất qua các thảm cỏ xanh, đồng thời cải tạo cảnh quan và điều hòa tiểu khí hậu
Trong trường hợp khả năng kiểm soát dòng chảy tại chỗ bị hạn chế, thì có thể phân tán dòng chảy theo các lưu vực nhỏ, dẫn nước đi bằng những giải pháp như sử dụng kênh mương hở và nông, lưu giữ nước mưa trong những hồ chứa và cho thấm xuống đất ở những khu vực thích hợp. Để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, có thể áp dụng những giải pháp xử lý tại chỗ trong bãi đất thấm, hồ lắng, bãi lọc trồng cây…
Nguồn; internet
Biên tập: Nguyễn Hữu Tuyên
Viết bình luận