"Sân chơi xanh": Mô hình sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường tại cộng đồng ở Hà Tĩnh
Được thực hiện trong khuôn khổ Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam", mô hình "Sân chơi xanh" tại TP. Hà Tĩnh được đánh giá là một mô hình sáng tạo và hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Với sự tham gia tích cực của Thành đoàn và đoàn viên thanh niên, mô hình không chỉ mang lại không gian vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ em mà còn góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, lan tỏa thông điệp sống xanh và thúc đẩy ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường bền vững.
Sáng kiến độc đáo vì một môi trường xanh- bảo vệ môi trường cộng đồng.
Được khánh thành từ tháng 11/2023, "Sân chơi xanh" có quy mô gần 2.000 m² tại Công viên trung tâm TP. Hà Tĩnh, bao gồm bảy hạng mục vui chơi được lắp ráp từ các vật liệu tái chế như: Lốp xe, gỗ, chai nhựa,... Các đoàn viên thanh niên ở TP. Hà Tĩnh đã trực tiếp thi công lắp đặt, biến những nguyên vật liệu tưởng như vô dụng thành các thiết bị vui chơi sinh động và bổ ích. Đặc biệt, các biển bảng giáo dục bảo vệ môi trường sử dụng năng lượng mặt trời, tích hợp chuyên trang chuyển đổi số "Sống xanh" cũng do Đoàn Thanh niên TP. Hà Tĩnh vận hành. Ngoài ra, sân chơi còn được trang bị thùng rác phân loại, đồ chơi tái chế, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em nhỏ và cộng đồng. Ông Lê Quang Minh, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Tĩnh, đánh giá: “Công trình này không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa mà còn tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị, mang đến sân chơi lành mạnh, an toàn cho các em thiếu nhi.”
Không chỉ mang đến một không gian vui chơi an toàn và bổ ích cho trẻ em, "Sân chơi xanh" còn được kỳ vọng trở thành hình mẫu để nhân rộng trong các khu đô thị khác. Được tài trợ bởi tổ chức WWF-Việt Nam và sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, mô hình này không chỉ giải quyết bài toán rác thải nhựa mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng sống xanh, phát triển bền vững. Theo ông Thân Viết Văn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Tĩnh, giảm thiểu rác thải nhựa là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong công tác bảo vệ môi trường. Thành phố Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả để xây dựng đô thị xanh, văn minh.
Tổ chức WWF Việt Nam: Lan tỏa thông điệp sống xanh đến Hà Tĩnh
Trong hơn 03 năm qua, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, gắn với các mô hình giáo dục, cộng đồng. Chợ Đò, xã Đồng Môn, từng là điểm nóng về rác thải, nay đã "thay da đổi thịt" nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Thành đoàn và Tổ chức WWF-Việt Nam đồng hành. Kể từ tháng 8/2022, khu vực này đã được dọn sạch rác, cải tạo môi trường và xây dựng ý thức thu gom, phân loại rác thải cho các tiểu thương.
Đặc biệt, mô hình "Ngôi nhà xanh tiết kiệm sinh thái" tại các khu dân cư đã mang lại những kết quả rõ rệt. Hiện nay, toàn TP. Hà Tĩnh có gần 120 "Ngôi nhà xanh" với tổng số tiền thu được từ bán phế liệu lên đến gần 450 triệu đồng. Nguồn quỹ này được sử dụng cho các hoạt động từ thiện và an sinh xã hội, đồng thời thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Trường học cũng trở thành điểm sáng trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa. Hơn 24 trường học tại Hà Tĩnh đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thành lập câu lạc bộ môi trường và thực hiện mô hình trường học xanh, sạch, đẹp. Các buổi tập huấn, hướng dẫn ủ phân hữu cơ và phân loại rác tại nguồn đã giúp hàng ngàn học sinh, giáo viên thay đổi hành vi, nhận thức về bảo vệ môi trường.
Đề nhân rộng mô hình
Để nhân rộng mô hình "Sân chơi xanh" và phát huy hiệu quả của sáng kiến này, tổ chức WWF- Việt Nam khuyến nghị các địa phương cần tích cực truyền thông, thay đổi nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là đoàn viên thanh niên, để tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có. Việc sử dụng các vật liệu tái chế như lốp xe, chai nhựa hay gỗ không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tạo cơ hội để sáng tạo trong thiết kế, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Ông Thân Viết Văn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Tĩnh chia sẻ, ngoài việc mở rộng mô hình, cần có các chính sách khuyến khích và dần tiến tới yêu cầu các cơ quan, đơn vị, trường học không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. WWF - Việt Nam cũng gợi ý, các sân chơi tái chế cần được bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng lâu dài, đồng thời phối hợp với các dự án quốc tế để tìm kiếm nguồn tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật.
Mô hình này không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về lối sống xanh, bảo vệ môi trường. Để mô hình thực sự phát huy tác dụng, WWF-Việt Nam cũng khuyến khích cộng đồng tham gia tích cực bằng cách đóng góp vật liệu tái chế và tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành và nhân rộng mô hình. Đồng thời, việc tối ưu hóa thiết kế sân chơi, linh hoạt sử dụng vật liệu tái chế trong từng hạng mục cũng là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao tính sáng tạo và hiệu quả. Đặc biệt, cần đa dạng hóa các nguồn kinh phí, trong đó chú trọng vốn đối ứng từ địa phương và cộng đồng.
Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân, Hà Tĩnh đang từng bước xây dựng một tương lai xanh, sạch và bền vững, góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường và xây dựng cộng đồng bền vững.
"Sân chơi xanh" tại Hà Tĩnh là một minh chứng sống động cho cách các sáng kiến sáng tạo có thể mang lại tác động tích cực tới môi trường và cộng đồng. Thành công của dự án này không chỉ nằm ở việc tái chế rác thải nhựa mà còn ở việc thay đổi nhận thức và hành động của người dân về bảo vệ môi trường. Đây là bước tiến vững chắc để Hà Tĩnh tiếp tục hành trình hướng tới một đô thị hiện đại, xanh, sạch và bền vững. Những nỗ lực này cần được duy trì và nhân rộng trên toàn quốc, góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trong công cuộc chống ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu.
Ngọc Huyền
Viết bình luận